Tiểu sử Tân_Khí_Tật

Tân Khí Tật là người Tế Nam, tỉnh Sơn Đông. Ông sinh trưởng trong vùng bị quân Kim chiếm đóng; còn khi ấy, triều đình nhà Tống đã phải rời khỏi Trung Nguyên dời xuống miền Nam, và đang bị phái "cầu hòa" khống chế.

Ông nội Tân Khí Tật, mặc dù phải ra nhận một chức quan nhỏ của nhà Kim, nhưng vẫn không quên đất nước. Những khi dạy dỗ, ông thường nhắc nhở cháu về "mối thù không đội trời chung của vua, của cha". Sự giáo dục đó đã ảnh hưởng sâu sắc tới Tân Khí Tật sau này.

Năm 21 tuổi, Tân Khí Tật đã tổ chức được một đội nghĩa quân. Năm năm sau, ông đem đội quân đó tham gia cuộc khởi nghĩa nông dân của Cảnh Kinh. Sau khi nghe ông phân giải, vị thủ lĩnh này định về với triều đình Nam Tống thì bị một thuộc hạ giết chết, lực lượng tan rã. Hay tin, Tân Khí Tật giận lắm, dẫn hơn 50 người đánh vào doanh trại quân Kim, bắt sống tên phản bội dẫn về Kiến Khang (sau này là Nam Kinh) nộp cho Tống Cao Tông (ở ngôi: 1127-1162). Biết ông là người yêu nước nhiệt tình, triều đình Nam Tống bèn bổ ông làm Thiêm phán Giang Âm. Từ đó, Tân Khí Tật rời hẳn miền Bắc, ở lại vùng Giang Nam với mong mỏi thực hiện được lý tưởng khôi phục đất nước của mình.

Những năm đầu, mặc dù chức vụ thấp kém, ông vẫn thường trình bày mưu kế lên triều đình, trong đó nổi bật là bản "Ngự nhung thập luận" (Mười bài bàn về đánh địch); tiếc rằng đều không được dùng. Mãi đến năm thứ 8 đời Tống Hiếu Tông (ở ngôi: 1163-1189), ông mới được tin cậy, nhiều lần được triều đình phái đi giải quyết những vấn đề khó khăn của đất nước. Trong khoảng thời gian đó, ông làm được nhiều việc, đáng chú ý có: khôi phục đất Từ Châu, cứu đói ở Hồ Nam, lập được đội quân Phi Hổ dũng mãnh bố phòng dọc bờ Trường Giang...

Là người miền Bắc xuống phía Nam làm quan, lại thêm bất đồng chính kiến với phe "chủ hòa", nên mấy năm sau Tân Khí Tật bị quan trên bắt bẻ, cách chức (1181). Sau đó, ông sống cuộc đời ẩn dật nơi rừng núi ở Đái Hồ, Biều Tuyền; tuy có hai lần được triệu ra, nhưng không lâu sau lại bị cách chức. Ở đây, ông đã viết nhiều bài từ rất hay về cảnh đẹp thiên nhiên, cảnh sống nông thôn, và về chí khí hùng tráng của mình.

Năm 1204, Tống Ninh Tông (ở ngôi: 1195-1224) cho gọi ông vào triều, cử giữ chức Trấn thủ Kinh Khẩu (nay thuộc Giang Tô). Lúc này, ông rất hăm hở việc dân việc nước, nên đã trình lên nhiều kiến nghị. Song, Tể tướng Hàn Sá Trụ không những không xét kiến nghị của ông mà còn tìm cớ đẩy ông đi xa. Thấy không có ai cùng mưu việc lớn với mình, Tân Khí Tật xin từ chức trở về Duyên Sơn (nay thuộc Giang Tây).

Năm 1207, Tân Khí Tật chết bệnh ở Duyên Sơn, thọ 67 tuổi.